Ngày tôi còn ở nhà vẫn thường nghe mẹ tôi căn dặn em gái tôi, "Này nhé, đừng có ngày nào cũng rền rĩ mấy bài hát thất tình, khổ sở ấy mà nó vương vào trong người. Tìm bài ca nào vui vẻ mà hát. Họa chăng nó đeo theo suốt cả đời mà sung sướng." Mẹ tôi nói mãi rồi cũng in vào trí của con bé. Một hôm nó tới tìm tôi.
"Anh ạ, em chẳng bao giờ có thể hát bài "Một ngày như mọi ngày" của Trịnh Công Sơn được."
Tôi nhìn nó không nói.
"Em không sợ khổ, không sợ thất tình. Nhưng em sợ cái sự nhàm chán, tầm thường lắm. Em không sống được cái đời trong bài hát ấy đâu. Cũng kỳ lạ phải không anh ? Thì cũng chỉ là một bài hát thôi, thế mà mỗi lần nghe nó, em lại thấy khó chịu kỳ lạ lắm."
Tôi nhớ lời nói ấy rất rõ, bởi vì chỉ 5 năm sau, tôi cũng y hệt như em. Bài hát không gợi trong lòng tôi sự nhàm chán, lâp đi lập lại, mà gợi trong tôi một cái gì rất trống vắng, rất âm u. Trống vắng, âm u như cuộc đời của một người không mộng mị.
Lúc tôi 12 tuổi, có lần nói với Ba tôi, "Ba ơi, lớn lên con muốn làm Tổng Thống."
Ba tôi cười thương mến, xoa đầu tôi, "Thằng nhỏ có chí lớn. Giỏi lắm ! Ráng lên con ! Cố gắng học cho giỏi để lớn lên làm Tổng Thống."
Cho tới hôm nay tôi vẫn còn cảm được cái ấm áp, sung sướng khi nghe câu nói ấy. Ba tôi đã không nhăn mặt, lớn tiếng như Ba thằng Hạnh, bạn tôi "Nói chuyện huyễn ! Học hành dốt như bò mà cũng bày đặt muốn làm Bác Sĩ. Có giỏi thì đem vài cái bảng Danh Dự về nhà cho tao coi."
Ba tôi không đòi bảng danh dự, vì ông biết mộng mị không đòi hỏi phải hội đủ điều kiện, và cuộc đời khô héo là cuộc đời của người không bao giờ có được một giấc mộng. Cho nên ông ân cần gìn giữ mộng của đời tôi, để tôi đủ can đảm mà bước tới trước.
Thời gian thì lại khác, chẳng cần được khuyến khích như tôi, cũng không bị kềm hãm, cứ lùi lũi mà tiến tới trước. Chẳng mấy chốc mà tôi qua Mỹ cũng đã hơn mười mấy năm.
Còn nhớ những năm đầu tiên, dài dằng dặc và đầy mộng mị. Người xưa có câu "Tiểu sàng, Đại mộng" thật là đúng lắm. Đã bao lần tôi nằm trên chiếc giường nhỏ bé của một căn phố thuê cũ kỹ, nghèo nàn, mà mơ những giấc mộng lớn của đời người.
Tôi mơ đến một ngày nào đó, tôi sẽ trở thành giàu sang, đầy danh vọng và uy quyền. Tôi thấy mình nắm giữ những chức vụ quan trọng trong một đại công ty. Tôi thấy mình đi họp hội nghị, đi nghỉ mát ở ngoại quốc. Tôi thấy mình trở về thăm viếng xứ sở Việt Nam nghèo nàn. Tôi thấy mình giúp đỡ cho bè bạn cũ, bà con họ hàng, người nghèo túng không kể xiết.
Ôi những đêm mộng mị thì quá ngắn, mà ngày thì lại quá dài. Ngày cũng đen tối nữa, vì ngày của tôi bắt đầu từ lúc mặt trời chưa mọc. Tôi lội tuyết cao gần đầu gối, ra đón xe buýt ở góc ngã ba. Ngọn đèn vàng vọt, bầu trời tối đen và tiếng gió hú đặc biệt của vùng Midwest.
Áo quần, mũ dạ, khăn len tôi nồng nặc mùi mỡ chiên làm chân tôi chùn lại mỗi khi bước lên chiếc xe buýt. Tôi e dè, không dám nhìn đối mặt những người đứng chung quanh. Tôi cũng biết mình không được thơm tho, nhưng làm thế nào được khi hàng ngày tôi phải đứng chôn chân trong bếp nấu của tiệm bán gà chiên.
Tôi chiên gà từ 5 giờ sáng đến 12 giờ trưa, rồi đón xe buýt đi đến trường. Người tôi ngầy ngật. Bài vở khi nhớ, khi quên. Tôi thường tự an ủi và nâng đỡ tinh thần mình, "Cố gắng lên ! Chỉ một vài năm nữa thôi".
Chỉ một vài năm nữa thôi ! Ngày nào cũng vậy, tôi chỉ về nhà khi thư viện đóng cửa. Tôi ốm như cò ma vì ăn uống thất thường, bữa có bữa không, miệng tôi chán ngấy mùi thịt gà tôi ăn hàng ngày nơi tôi làm việc. Nhưng tôi sợ đi chợ, nấu ăn, tôi sợ đi chơi. Suốt ngày tôi sợ mất thì giờ.
Tôi dồn hết sức lực và tâm hồn mình ra để cố biến cho giấc mộng của tôi trở thành sự thật. Tôi qua Mỹ một thân một mình. Không được săn sóc , không có cơ hội như những người bạn đồng lớp. Nhưng tôi có mộng, và mộng tôi lớn như hồn tôi có thể nghĩ đến.
Tiểu bang tôi ở, mùa đông kéo dài 5 tháng, tuyết rơi liên miên từ Thanksgiving đến cuối tháng hai. Bạn ơi, biết bao lần tôi đã lặng ngắm cái đẹp lạ lùng của những cành cây khô đông đá. Và tuyết im lặng, hung hãn, tràn ngập khắp nơi.
Rồi tôi nhớ lại những bức hình đẹp tôi hằng góp nhặt ngày còn thơ ấu về những xứ sở xa xôi. Rồi tôi nhớ lại những ngày dài ở Việt Nam viễn vông mơ mộng sống đời du học. Càng nhớ,tôi lại càng cố gắng thúc đẩy mình học hành, cố gắng chịu đựng nhọc nhằn. Tôi nghĩ mình đã bước vào được trong tranh rồi, thì phải tìm cho ra Tố Nữ, kẻo uổng phí cơ hội ngàn năm.
Còn nhớ sau biến cố 75, gia đình tôi sa sút thê thảm. Chúng tôi không có cách gì để sinh sống. Chị em tôi không biết buôn bán chợ trời, lương giáo sư không đủ ngày hai bữa ăn bột mì viện trợ của Canada. Chúng tôi không dám nghĩ đến những bát cơm trắng nóng hổi trên mâm ngày nào. Nói gì đến những món xa xỉ như thịt, cá. Năm 78, 79 là cao điểm của túng đói. Ba mẹ tôi nuốt nước mắt dặn dò chúng tôi trì chí cắp sách đến trường. Ôi những giấc mộng văn chương, bằng cấp với những phiếu lý lịch gạch đỏ, ngang dọc ngụy quân, ngụy quyền.
Và rồi ba mẹ tôi chạy chọt đầu này đầu nọ, mượn nợ giúp cho tôi vượt biên qua được tới Phi. Tiếp theo những tháng ngày lo âu, túng đói ở Việt Nam là những tháng ngày lo âu và túng đói ở trại tỵ nạn. Tôi lưu lạc gần hai năm trời qua bốn trại tỵ nạn. Ngày ngày cùng nhóm bạn vào rừng đốn củi làm lều tạm trú , bán lại cho những người tỵ nạn có tiền. Chúng tôi xách nước, làm vệ sinh, khuân vác thực phẩm phân phát, lặn lội đi câu ngoài biển, hay còng lưng nhặt rau, lá trên núi.
Ban đêm chúng tôi chuyền tay đọc những lá thư từ nước ngoài gởi đến. Những thở than, thất vọng, lo âu của người đi trước đè nặng tâm hồn chúng tôi. Người vượt biên không có mộng lớn. Họ chỉ ước mơ được tiếp nhận ở những quốc gia nhiều người Việt như Mỹ, Canada, Úc cho tâm hồn đỡ cô đơn và cuộc sống không quá nhọc nhằn. Những ngày tháng rỗi rãi, thẫn thờ trong trại càng làm chúng tôi nao nức một kiếp đời bận rộn và hữu ích. Chúng tôi một bầy, lem luốc, thiếu thốn như nhau, có gì đâu mà mộng mị.
Tôi không tưởng tượng được những tháng ngày mơ ước của bạn tôi ở Việt Nam, khi đã có danh sách được kêu đi phỏng vấn, khi thủ tục mua vé máy bay đã hoàn tất.
Ôi "Dream One" với ý nghĩ rằng tiền bạc chính phủ Mỹ đã để dành sẵn cho mình trong ngân hàng. Bạn tôi vay mượn ở Việt Nam với lời hứa trả gấp đôi, để tiêu xài phung phí, đãi đằng bạn bè, mua sắm vật dụng cho ngày đi về đất hứa. Bạn tôi đi tiệm sắm vài bộ đồ lớn. Người thợ bảo đảm với bạn tôi là ông ta biết thứ vải nào, kiểu nào là thịnh hành nhất bên Mỹ. Những bộ đồ vest, bạn tôi nào có biết, thực là làm mình không giống ai cả khi bước xuống phi trường quốc tế.
Vợ của bạn tôi sắm kimono, đi học đàn tranh, đàn dương cầm, mơ mộng tới ngày qua Mỹ sẽ ăn mặc những bộ áo quần tân thời như trong phim ảnh; nhàn hạ, rảnh rang, họp mặt bạn bè đàn ca, xướng hát. Có thời trang nào ở Mỹ mà Việt Nam chịu thua đâu ? Nhưng vợ của bạn tôi làm sao biết được những người Việt ở Mỹ, làm lụng đầu tắt mặt tối, có mấy người theo kịp thời trang ? Áo quần họ giản dị lắm ! Giản dị và ít theo kịp thời trang gấp trăm lần những người đi dung dăng, dung dẻ trên đường phố Việt Nam hay nhảy nhót thâu đêm ở những phòng trà của Quận.
Nhưng mộng mị là niềm vui, là sức sống, là hứng khởi của đời bạn tôi, nên bạn tôi không tin lời người đi trước nói. Bạn tôi thấy những người đó thật là ích kỷ, xấu tánh, bi quan, vô dụng, chỉ muốn làm bạn tôi mất tinh thần thôi.
Bạn tôi bước lên máy bay giữa một rừng người đi đưa. Những ánh mắt ao ước, thèm thuồng, ganh tỵ làm bạn tôi càng tin tưởng giấc mơ của mình đã thành sự thật.
Rồi giấc mơ trở thành cơn ác mộng. Bạn tôi hốc hác vì lo âu và ngỡ ngàng trước cuộc sống trên đất hứa. Tiền bạc không có, ngày tháng còn được trợ cấp thì đếm trên đầu ngón tay. Tiếng Anh không rành, không phương tiện di chuyển, không việc làm, thơ từ Việt Nam hối thúc đòi nợ nần thì nhận liên tiếp.
Hai vợ chồng đau đớn cho căn nhà bị tịch thu ở Việt Nam, và tiếc nuối cái tiệm sửa xe nhỏ nhưng tiền bạc ra vào thong thả. Ôi những tháng ngày sung sướng. Những tháng ngày làm kẻ chột trong đám mù, oai phong, hãnh diện biết mấy so với những tháng ngày kẻ chột lạc loài trong xứ người sáng hai mắt.
Gặp tôi, bạn thẫn thờ, ray rứt. Bạn nói bây giờ bạn nuôi giấc mộng trúng số Lotto.
Trở lại tôi trong những ngày còn làm con ong, cái kiến tha rác xây nhà. Thật tình mà nói, đầu óc tôi bận rộn suốt ngày nên tôi cũng chẳng có thì giờ để so sánh hay buồn bã. Hơn nữa, được xuất ngoại du học là điều tôi hằng mơ ước khi còn bé, nên cuộc đời của tôi cũng không mấy gì phải thờ thẫn. Chỉ có đôi khi co ro bên trạm xe buýt tránh mưa, mắt chợt bắt gặp hình ảnh người bạn cùng lớp, đã bỏ trường tìm việc từ mấy năm trước, lái chiếc BMW màu đỏ vụt qua, tươi cười rạng rỡ bên người bạn gái, tôi thấy hơi tủi trong lòng. Nhưng rồi tôi vội vàng nghĩ "Mộng của tôi không nhỏ như vậy. Tôi momg ước nhiều hơn anh bạn kia. Tương lai tôi phải rực rỡ hơn tương lai người thợ."
Và tiếp tục, tôi lại bước lên chiếc xe buýt, rụt rè không dám đứng sát người bên cạnh. Và nhìn bâng quơ qua cửa sổ khi thấy anh ta khịt mũi khó chịu. Ngày của tôi như vậy, vùn vụt trôi qua như những căn phố bên đường lui lại đằng sau cửa sổ chiếc xe buýt.
Hôm ra trường tốt nghiệp, tôi đem áo mão tới Studio chụp cái hình gởi về nhà cho Ba Mẹ. Tôi biết họ mừng rỡ lắm, vì tôi đã không để tóc dài, theo băng đảng hay hút xì-ke. Chỉ có một tháng trời nghỉ ngơi rồi tôi bắt tay vào cuộc đời mới.
Làm được vài năm tôi xin đổi về California, đất của nắng ấm, sáng chói, ấm áp như vàng ròng trong mỏ ngày xưa. Có kinh nghiệm, tôi được lên chức, lên lương. Cuộc đời của kẻ độc thân thật nhẹ nhàng.
Có một ngọn đồi xanh ở một thị trấn ít người cách nơi tôi ở gần 5 tiếng đồng hồ lái xe, tôi thường một mình lên đó ngồi tâm sự với chính mình. Nhiều đêm, một mình trên ngọn đồi vắng, tôi có cảm tưởng, nếu tôi muốn thì những vì sao trên trời cũng có thể rớt vào tay tôi được. Rượu kiêu ngạo, sao không ai uống mà cũng cứ say mèm.
Vì công việc phải du lịch nhiều, tôi quen biết một số bạn gái, nhưng hình như tiếng sét ái tình chưa hề giáng xuống đỉnh đầu tôi lần nào cả. Bạn bè, bà con, kẻ chỉ bảo điều này, người khuyên răn điều nọ. Mỗi người một ý, đầu óc tôi cứ rối lên. Tôi cũng thử đủ cách: làm quen, thăm viếng, điện thoại, hẹn hò. Nhưng sao trong lòng tôi vẫn cứ lạnh nhạt, thản nhiên. Rồi tôi lại đi tìm hình bóng khác.
Có người nói đời buồn lắm, tội gì mà phải rước khổ vào thân, trừ khi mình là loại người ưa thích bị đau đớn. Tôi không thích bị đau đớn, nhưng nếu tôi có thể yêu được, đau mấy tôi cũng chẳng màng.
Các cô cứ nói xấu cho tôi là lông bông như bướm, cứ lo đùa giỡn với tình cảm của người khác. Tội nghiệp cho tôi, các cô không biết chứ tôi lo về chuyện lấy vợ của tôi còn nôn nóng hơn các cô muốn lấy chồng nữa. Tôi ao ước biết bao nhiêu cái tình ái mà ai cũng có, để có thể lấp đầy được cảm giác trống vắng của tôi.
Khoảng trống vắng lúc đầu thấy như nhỏ lắm, nhưng lần lần theo ngày tháng lớn mãi trong đầu óc tôi. Tôi tham gia các hoạt động với bạn bè. Tôi chơi thể thao. Tôi hò hẹn. Tôi cố gắng đi tìm cái mình muốn. Nhưng đôi khi tôi cũng chẳng biết mình muốn gì? Tôi cảm thấy cô độc và trống vắng. Nhiều khi tôi thẫn thờ, không biết mình là ai ? Phải về đâu và làm gì nữa?
Có phải cuộc đời tôi là những ngày làm việc mệt nhọc. Đem hết tâm trí, khả năng mình phục vụ cho người Boss da trắng, tham lam, ích kỷ kia. Phục vụ cho đến ngày nào sức lực hao mòn, già nua, chậm chạp, thì sẽ bị thải hồi trước kỳ được về hưu ăn lương của hãng? Có phải cái đích của đời tôi là có được người vợ đẹp, cái nhà bạc triệu, và mấy cái xe Mercedes ở garage, như một số người tôi có dịp gặp. Những người bạn, mặt đầy lo âu và đau khổ.
Hạnh phúc là gì nhỉ ? Thỏa lòng là sao ? Làm sao để cho tôi được thỏa lòng? Có bao nhiêu tôi mới thỏa lòng ? Lúc nào tôi mới thỏa lòng ?
Và rồi những đêm ngồi lại trên ngọn đồi xanh, nhìn lại bầu trời. Tôi có cảm tưởng, giá như tôi nắm được trong tay những vì sao kia chắc lòng tôi vẫn lạnh, và đời tôi vẫn hao mòn hứng khởi.
Một hôm tình cờ đọc một bài thơ cổ, tôi thật ngậm ngùi.
Lô Sơn yên vũ, Triết Giang triều.
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu.
Đáo đắc, hoàn lai, vô biệt sự.
Lô Sơn yên vũ, Triết Giang triều.
Tôi tạm dịch là:
Mưa khói Lô Sơn, sóng Triết Giang.
Chưa đi đến được, hận không tan.
Đến rồi, trở lại, không gì khác.
Mưa khói Lô Sơn, sóng Triết Giang.
Cái ao ước lớn lao nhất của thi sĩ là thấy cho được hai kỳ công thiên nhiên trong nước. Sông Triết, sóng lớn như biển động; vànúi Lô, mưa khói mịt mù che lấp đỉnh. Ao ước đến nỗi nếu một mai thi sĩ chết mà mắt vẫn chưa thấy được Triết Giang và Lô Sơn, thì hận lớn trong lòng không bao giờ tiêu tan được.
Thế nhưng, một ngày kia mong đợi được thành tựu. Người thi sĩ nhìn ngắm được Triết Giang và Lô Sơn. Nhưng nào có gì đâu ! Thì cũng chỉ núi cao và sông lớn mà thôi. Lạc đi đâu cái cảm giác tuyệt vời mà người hằng tưởng ? Đằng sau sóng đó và mây đó có còn gì nữa không ? Cái hận muôn kiếp cũng chỉ vì sông này và núi này ư ???
Một ngày cuối năm, tôi chờ hai anh em người bạn đến thăm từ thành phố cũ. Bạn tôi sống ở Midwest, mỗi năm không có lấy hai lần gặp gỡ người Việt và nói tiếng Việt, bạn tôi ao ước có dịp về Cali cho thỏa thích.
Tôi đợi anh từ trưa đến tối. Đến nửa đêm, người em điện thoại cho biết, bánh xe nổ giữa xa lộ số 5. Bạn tôi lum khum ngồi quay lưng ra đường thay bánh. Một chiếc xe chạy nhanh qua, tông bạn tôi văng vào trong lề đường. Tôi gặp người em ở bệnh viện. Hốc hác, bơ phờ, em nói với tôi,
"Em cầu nguyện cho anh em đừng chết. Dù ra sao cũng được, em sẽ lo cho anh ấy. Nhà chỉ có hai anh em.... "
Bạn tôi được chuyển qua phòng Intensive care. Bác sĩ tuyên bố não bộ thì đã hoàn toàn chết không cứu vãn được. Phổi bạn tôi đã ngừng thở, phải nối vào máy để giúp phổi hoạt động.
Người em suốt ngày ngồi bên giường bệnh, theo dõi các nữ y tá săn sóc thân thể bạn tôi. Não bộ chết, nên thân nhiệt bạn tôi không được điều khiển, lên xuống rất bất thường. Khi quá cao làm máu trào ra mũi, bệnh viện phải để anh ta nằm trên nước đá. Nhưng hơi lạnh lại làm anh bị sưng phổi. Y tá lại phải bỏ ống vào hút đàm và mủ ra. Ống dẫn nước và thuốc vào người anh gắn đầy trên hai tay. Lại có ống thoát tiểu và những thứ khác nữa.
Bạn tôi nằm đấy như một xác chết. Chiếc monitor nhỏ trên trần chiếu hoài một đường xanh thẳng tắp chỉ não bộ đã ngưng hoạt động. Nếu tri thức, cảm giác là linh hồn thì bạn tôi đã chết thật. Nằm đó chỉ là xác của anh thôi.
Hai ngày sau, người em tìm gặp tôi. Em đứng xiêu vẹo, lưng còng xuống.
"Em đã gặp và nói chuyện với các bác sĩ có thẩm quyền. Họ quả quyết rằng não bộ anh em đã hoàn toàn chết hẳn, không có cách gì nữa. Anh em chỉ còn chờ ngày tim ngừng hoạt động thôi. Em đã quyết định yêu cầu họ, nếu ngày nào anh em đi, thì xin đừng gắn mấy vào, cứ để anh ấy đi tự nhiên. Em không muốn thân xác anh ấy bị hành hạ nữa."
Tôi nhớ lại ao ước của em hai ngày trước đó và sự ao ước của em bây giờ. Có những ao ước sao lại quá buồn. Người sống không ngừng ao ước, nhưng chết đi rồi, tất cả ao ước đi về đâu?
Tôi một thân một mình không việc gì phải lo lắng. Nhưng nếu một mai tôi lập gia đình. Có người vợ tôi hết lòng yêu thương, có đàn con tôi hết lòng che chở. Nếu có sự gì xảy ra cho họ, tôi phải làm sao?
Tôi bắt đầu thấy cuộc đời trống trải và bất an, nhưng vẫn cố gắng nhắc nhở rằng mình thật có phước. Thôi hãy tận hưởng những ngày mình còn được hưởng và tránh đừng nghĩ gì đến những chuyện xa xôi. Đời có biết bao người bất hạnh, đói kém, nếu tôi còn không biết đến cái phước của mình thì thật là có tội với Trời đất.
Nhưng nếu con người có thể sống được như ý mình muốn, thì đời thật chẳng còn gì để mà nói nữa.
Nhớ năm xưa Trang Tử một hôm nằm mộng thấy mình là bướm, nhẹ nhàng bay lượn khắp nơi. Tiêu du cảnh đời bát ngát. Giật mình tỉnh mộng, mồ hôi lạnh tuôn ướt áo, thần trí bàng hoàng. Không biết mình là người đang mơ thành bướm? Hay mình là con bướm trắng đang ở trong giấc mộng làm người.
Là người hay là bướm, có mộng cũng còn hơn không mộng. Giấc mộng đời chưa có hết, mà tôi đã vội chán chường không còn muốn mộng nữa.
Và rồi có những đêm, ngồi lại trên đồi xanh, sao tôi vẫn thấy mình quá lạc loài và cô độc.
Cho đến ngày tôi gặp em gái nhỏ. Em chỉ mới mười sáu tuổi. Mặt trắng, mắt tinh ranh, và miệng cười hóm hỉnh. Em mến tôi như người anh ruột. Và tôi cũng thành thật coi em như em gái của tôi. Tôi gặp em ở nhà người cháu họ. Em sống với người cô của em. Cha em mất sớm. Mẹ đối xử với em không tốt. Tuổi thơ em cay đắng, tội nghiệp. Nhưng sao miệng em cười tươi quá. Giọng em cao và mắt trong, tin cậy.
Tôi thấy bạn bè vây quanh em, thương mến. Em vừa đi học, vừa đi làm. Suốt ngày bận rộn. Hôm trước tôi gặp em, hai bàn tay đeo đầy những chiếc nhẫn xinh xinh, nho nhỏ, bằng vàng giả. Hôm sau gặp lại, tay em trống trơn.
Em nháy mắt, cười tinh ranh với tôi, "Hôm nay em đi nhà thờ. Không nên đeo vàng bạc."
Mặt em tinh quái làm tôi bật cười. "Bé con cũng đi nhà thờ sao ?"
"Sáu năm nay, chưa có ngày thứ Bảy nào mà em vắng mặt ở nhà thờ cả."
"Có xạo không đó ?"
"Em không nói láo đâu." Mắt em dịu xuống, nghiêm trang. Tôi thấy mình hơi lố.
"Em thích đi nhà thờ lắm sao ?"
Tôi không bao giờ quên được câu trả lời của em. Vẻ mặt em hồn nhiên, thư thái, "Em mồ côi, nhưng em có Chúa. Chúa là cha của em. Em cầu nguyện với Chúa hàng ngày. Chúa che chở và bảo vệ cho em. Chúa dạy cho em cách sống tốt đẹp. Em thấy mình vui và yên lắm."
Bỗng nhiên tôi thấy đắng ở miệng. Bé con ơi! Vui và yên là điều tôi không có. Mà tôi lại có cha mẹ, anh em, họ hàng, bè bạn nhiều gấp mấy lần em.
Weekend ấy tôi lái xe lên lại ngọn đồi xanh. Ngồi thẫn thờ ngắm nhìn bầu trời u ám, "Chúa ơi!" tôi kêu nhỏ trong lòng. Chúa ơi, Ngài ở đâu? Có thật là Ngài đang ngự trên cõi cao đó không? Ngài có bao giờ liếc mắt nhìn đến tôi là kẻ ngoại? Tôi không biết cầu nguyện, làm sao tôi có được sự vui mừng và bình yên như em nhỏ?
Hôm sau tôi điện thoại cho em, "Bé ơi ăn cơm chưa ? Anh đến chở đi ăn phở."
"Em chưa ăn. Nhưng mà chiều nay em phải đi nhà thờ tập hát."
Tôi ngập ngừng nói, "Anh đi theo có được không ?"
"Được chứ ! Nhưng mà sau đó anh phải cho em đi ăn phở."
"OK."
Thật ra Cơ Đốc giáo không lạ lùng gì với tôi, mặc dù tôi chưa bao giờ bước chân đến nhà thờ. Một số bạn bè của tôi là những người có Đạo và chúng tôi vẫn thường thảo luận với nhau về vấn đề tín ngưỡng của nhân loại.
Không phải là tôi không tin ở sự hiện hữu của Đức Chúa Trời. Tôi đã từng thấy những bằng chứng khảo cổ, những tài liệu lịch sử chứng minh những sự linh nghiệm của các sách tiên tri trong Kinh Thánh. Nhưng tôi vẫn nghĩ là Đạo nào cũng được, không nhất thiết phải theo Đạo này hay Đạo kia. Đường nào cũng tới La-Mã cả. Tôi không thích theo Chúa vì tôi không thích cái cảm tưởng là mình thua trí bạn bè tôi; là mình yếu đuối như mấy trẻ nít, bà già vốn là những người dễ tin vào những chuyện huyền hoặc.
Tôi cảm thấy đôi chút rụt rè khi bước chân vào ngôi thánh đường Cơ Đốc Phục Lâm, trong khi em nhỏ thì lại khác, chân sáo tung tăng, kêu người này, gọi người kia rối rít. Em hát giọng Soprano, miệng tròn như chim nhỏ đón mồi. Tôi tìm góc tối, ngồi nhìn sinh hoạt ca đoàn.
Vẻ vui nhộn của mọi người làm tôi thấy vui lây. Họ tập hát như dân chuyên nghiệp. Tiếng nhạc, lời ca, vang dội thánh đường. Tôi dãn người ra, thoải mái, khoanh tay lắng nghe. Rồi đến giờ tạm nghỉ. Mỗi người tản mác. Em nhỏ cũng biến mất đâu đó. Người ca trưởng ngồi xuống bên chiếc dương cầm. Anh im lặng giây lát, rồi đưa tay dạo một bài nhạc. Một người cất giọng hát theo.
"...Nơi ban ơn dư dật kẻ hẩm hiu, là ngồi dưới bóng chân Giê su. Nơi ban cho thân tàn con nghỉ ngơi, và hằng trút hết bao ưu phiền. Nếu cứ ngồi hầu dưới bóng Giê su, nguyện cầu thổn thức trong tình yêu. Ắt sẽ hằng được phước Chúa vô bờ, là nguồn phước chẳng phai bao giờ."
Bỗng nhiên tôi thấy lòng mình rưng rưng, và mắt tôi ướt lệ. Tôi không hiểu tại sao tôi khóc, nhưng tôi cảm thấy yên và vui. Trong một thoáng giây, tôi chợt cảm nhận được sự mầu nhiệm, tôn nghiêm của tôn giáo. Không phải là vấn đề thua trí hay cãi lẽ. Tín ngưỡng không phải là giải đáp của một thắc mắc, của sự cân nhắc, đo lường, đi tìm điều lợi hại. Chấp nhận Chúa là sự mở lòng mình ra để đón nhận một tình yêu mầu nhiệm, dịu dàng từ cõi trời.
Chỉ có sự liên hệ gần gũi giữa Chúa và tôi mới quan trọng, còn bạn bè của tôi, sách vở tôi đọc, những sự cãi lẽ thua được, những lo ngại vẩn vơ trở nên lu mờ và không còn nghĩa lý nữa. Tất cả chỉ là những công cụ, những phương tiện mà Chúa đã dùng để đến cùng tôi, không phải là những chướng ngại vật có thể nằm giữa tôi và Chúa.
Tôi cám ơn em nhỏ, vô tình nhưng mạnh mẽ là người chứng của tôi về lòng yêu thương của Chúa Cứu Thế.
Tôi cám ơn em đã cho tôi những giấc mộng mới. Và một trong những giấc mộng đó là ngày sau khi tôi lập gia đình, khi tôi có con, tôi cầu mong cho con tôi cũng sẽ yêu Chúa nhiều như em. Với một Đức tin như thế, em nhỏ ơi, có bậc cha mẹ nào còn phải lo lắng cho con mình nữa. Có ai bảo vệ và che chở cho con mình bằng Chúa? Có ai dạy dỗ cho con mình được lớn lên một cách khôn ngoan như Chúa?
Em nhỏ ơi, nếu con tôi cũng được như em, nếu tôi cũng được như em, thì cuộc đời tôi thật đầy vui mừng và yên ổn.
Trích dẫn trong đặc san Suối Thiêng: Ấn Bản Chúa Yêu Thương